Những Kiến Thức Cơ Bản Cần Biết Về Logistics
1. Logistics là gì?
Logistics là tập hợp các hoạt động nhằm đảm bảo cung cấp các thành phần cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng hóa một cách kịp thời, hiệu quả.
Đối tượng của logistics trước đây chỉ là hàng hóa, sản phẩm hữu hình. Tuy nhiên, hiện nay người ta cũng sử dụng logistics cho cả những đối tượng như dịch vụ, thông tin, năng lượng…
Về phía người quản lý, logistics luôn gắn với việc phải lựa chọn phương án tối ưu nhằm kiểm soát hiệu quả về thời gian và chi phí trong suốt quá trình hàng hóa lưu thông.
2. Trước đây đã có nhiều từ khác nhau để gọi như kho vận, tiếp vận, lưu vận, giao nhận,… tại sao bây giờ lại phải dùng từ logistics?
Hoạt động logistics theo sát suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng một sản phẩm. Quá trình đó có thể bao gồm những hoạt động sau:
- Vận chuyển
- Lưu kho
- Sơ chế, bảo quản
- Phân chia, bao gói sản phẩm
- Thực hiện các thủ tục để sản phẩm có thể lưu chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác
Những từ như kho vận, tiếp vận, lưu vận, giao nhận, … chỉ phản ánh được một phần trong quá trình nói trên, không thể hiện được rõ logistics là quá trình xuyên suốt, tích hợp của nhiều công đoạn. Vì vậy, việc sử dụng từ logistics là hợp lý hơn cả. Luật Thương mại 2005 đã chính thức sử dụng logistics trong văn bản pháp luật của Nhà nước.
Trong tiếng Việt, cũng đã có những trường hợp tương tự, sử dụng từ nguyên nghĩa tiếng nước ngoài sẽ đem lại ý nghĩa rõ hơn là dịch sang tiếng Việt, ví dụ marketing, PR.
3. Luật Thương mại định nghĩa thế nào về logistics?
Điều 233 Luật Thương mại định nghĩa: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.
Như vậy, nội dung Điều 233 nói trên vừa định nghĩa thông qua việc liệt kê một số hoạt động điển hình của logistics, vừa nhấn mạnh vào tính chất dịch vụ của hoạt động này khi một doanh nghiệp đứng ra nhận làm các công việc đó để hưởng thù lao từ doanh nghiệp có hàng hóa.
Định nghĩa như trên là phù hợp trong bối cảnh Luật Thương mại khi Luật này cũng quy định logistics tương tự với các dịch vụ khác như môi giới, nhượng quyền, giám định, đại lý, gia công.
4. Có gì khác nhau giữa hậu cần trong quân đội với hoạt động kinh doanh logistics ngoài xã hội?
Hoạt động hậu cần trong quân đội cung cấp thức ăn, quần áo, đồ dùng nhằm bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội, mặt khác cũng cung cấp phương tiện, trang bị, thiết bị, khí tài, vũ khí, đạn dược để đảm bảo khả năng chiến đấu của bộ đội.
Trong lịch sử, chiến dịch giải phóng Thăng Long một cách thần tốc của quân Tây Sơn là một minh họa điển hình của logistics. Bằng cách bố trí từng tổ ba người, trong đó hai người thay nhau cáng một người, vừa hành quân vừa nấu cơm, đội quân Tây Sơn đã hành quân thần tốc, tạo nên sức mạnh bất ngờ đánh tan quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.
Hoạt động kinh doanh logistics ngoài xã hội nhằm cung cấp nguyên liệu, vật tư, thành phẩm đến các doanh nghiệp khác hoặc đến người tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu của các chủ thể này.
Điểm khác nhau ở đây là hoạt động hậu cần trong quân đội mang tính mệnh lệnh, thực hiện theo chỉ đạo chặt chẽ của một cơ quan chỉ huy, chủng loại hàng hóa không đa dạng nhưng có số lượng lớn, và không nhằm mục đích lợi nhuận.
Kinh doanh logistics có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp dựa trên quan hệ dân sự thuận mua vừa bán, chủng loại hàng hóa rất phong phú với số lượng từ rất nhỏ đến rất lớn, kết quả của những hoạt động đó là nhằm đem lại lợi nhuận cho các bên tham gia.
Nhìn rộng ra, không chỉ trong quân sự hay kinh doanh mà bất cứ công việc nào đều đòi hỏi sự tính toán, cân nhắc để sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách tối ưu, đem lại kết quả tốt nhất với chi phí thấp nhất. Đó cũng chính là vai trò của logistics.
Ví dụ, để tổ chức một hội nghị, bên cạnh việc đề ra mục tiêu cần giải quyết, chương trình nghị sự, thành phần tham dự thì các việc như lựa chọn địa điểm, chuẩn bị trang thiết bị âm thanh, trình chiếu, gửi giấy mời, đôn đốc xác nhận, đón tiếp đại biểu, kiểm soát thời gian trình bày… chính là một hình thức logistics.
5. Vai trò của logistics đối với nền kinh tế nói chung?
Nếu nền kinh tế là một bộ máy thì có thể ví logistics như dầu bôi trơn cho bộ máy đó vận hành được thông suốt, đạt được công suất lớn nhất với chi phí nhiên liệu ít nhất và độ bền bỉ cao nhất.
Nếu không có vai trò của logistics, nền kinh tế sẽ hoạt động giảm hiệu quả đáng kể, thậm chí trong một số ngành, một số nơi sẽ bị rối loạn hoặc ngừng hoạt động.
Ở nền kinh tế tiểu thủ công nghiệp, làm ăn nhỏ lẻ thì logistics không có tác dụng nhiều. Nền kinh tế có mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng cao thì vai trò của logistics càng lớn.
Ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Hong Kong, Hà Lan, logistics là một động lực chính của nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào GDP.
6. Phương châm của logistics là gì?
Phương châm của logistics hiện đại là chi phí, tốc độ, tin cậy. Tức là một hàng hóa đi từ doanh nghiệp đến đối tác với chi phí thấp nhất, tốc độ nhanh nhất, đồng thời phải đảm bảo hàng hóa không bị thất lạc, mất mát, hư hỏng.
John J. Coyle, tác giả một loạt quyển sách về kinh doanh logistics, tóm tắt phương châm của logistics trong 7 chữ Đúng (nguyên văn tiếng Anh là 7 chữ Right) như sau: Logistics là đem đúng sản phẩm, đến đúng khách hàng, với đúng số lượng, ở đúng trạng thái, đến đúng địa điểm, vào đúng thời gian, và với
đúng chi phí.